Quy định mới về nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa
( Cập nhật lúc:
10/09/2019
)
Ngày 11/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Theo đó, quy định các điều kiện để Nuôi trồng thủy sản kết hợp Trồng lúa.
|
Mô hình nuôi cá xen lúa của gia đình ông Triệu Văn Ninh, thôn Nà Khắt,
xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng
|
Cụ thể là, các trường hợp Nuôi trồng thủy sản kết hợp Trồng lúa phải phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch. Trường hợp Trồng lúa kết hợp Nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho Nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.
Về thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp (người sử dụng đất) nếu có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa (Nuôi trồng thủy sản kết hợp Trồng lúa) thì phải gửi 01 bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, Nghị định 62/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ, phải xác định các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc loại thủy sản phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa phương. Đối với việc đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, Phụ lục I đã đề cập 02 trường hợp chuyển đổi Trồng lúa kết hợp Nuôi trồng thủy sản: (1) Chuyển đổi từ đất 1 vụ lúa/năm; (2) Chuyển đổi từ đất 2-3 vụ lúa/năm.
Nghị định 62/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019./.