Bệnh tiêm hạch hại lúa và biện pháp phòng trừ
( Cập nhật lúc:
10/09/2020
)
Bệnh tiêm hạch hại cây lúa do nấm Sclerotium oryzae Catt gây ra, là một trong những bệnh hại lúa tương đối nguy hiểm ở nước ta. Ở vụ mùa bệnh thường phát sinh mạnh vào tháng 9-10. Bệnh có thể xuất hiện vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa nhưng phá hoại nặng từ giai đoạn lúa có đòng trở đi.
Triệu chứng và tác hại của bệnh tiêm hạch hại lúa:
Triệu chứng bệnh tiêm hạch thay đổi tùy theo điều kiện ngoại cảnh. Vết bệnh xuất hiện ở phần bẹ ngay sát mặt nước rồi lan dần lên lá.
|
Vết bệnh xuất hiện ở phần bẹ ngay sát mặt nước rồi lan dần lên lá
|
Vết bệnh đầu tiên là những chấm nâu, dần chuyển thành nâu đậm, rồi sau đen hẳn. Lúc mới hình thành vết bệnh hình tròn, sau thành hình bầu dục và phát triển dài ra, ăn sâu vào trong phá hại nhu mô bẹ và ống rạ làm cho bộ phận bị bệnh thối nhũn.
|
Vết bệnh tiêm hạch hại trên lá |
Cây lúa bị bệnh tiêm hạch lá vàng từ đầu lá, rồi làm cho cả lá vàng úa, khô chết. Cây lúa bị nhiễm bệnh nhẹ thì vẫn có thể trỗ bông nhưng hạt lép nhiều. Khi cây bị bệnh hại nặng: Thân thối nhũn, ống rạ phân hủy thành chất nhầy, có mùi hôi, rễ thối đen và toàn bộ cây bị lụi xuống.
|
Vết bệnh tiêm hạch hại trên thân |
Đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh:
Vị trí xâm nhiễm của nấm vào cây lúa phụ thuộc vào chế độ nước trong ruộng, bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ngập nước, nước tù và ruộng yếm khí. Nếu ruộng lúa được tháo cạn nước trong quá trình cây lúa đẻ nhánh thì bệnh giảm so với nước ngập thường xuyên. Bệnh hại nặng ở những ruộng bón phân không cấn đối, bón thừa đạm, cấy dầy, ruộng thiếu ánh sáng.
|
Ruộng lúa bị bệnh tiêm hạch hại |
Biện pháp phòng, trừ bệnh tiêm hạch lúa:
Dọn sạch rơm rạ, gốc rạ ở những ruộng bị bệnh đem đốt, không nên đánh thành đống hoặc dùng để phủ đất các cây trồng khác ngoài đồng ruộng. Cày úp gốc rạ để tiêu diệt nguồn bệnh là hạch nấm trên tàn dư và đất.
Chọn giống lúa chống bệnh: Nhóm giống lúa Japonica (lúa Nhật) có khả năng chống bệnh cao hơn nhóm giống lúa Indica.
Áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) để cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe mạnh ngay từ đầu, hạn chế sâu bệnh hại tấn công.
Khi phát hiện bệnh gây hại, cần vơ bỏ các lá già khô chết, thay nước ruộng và sử dụng một trong những loại thuốc sau để phun diệt ổ bệnh như: Kasai 21,2 WP, Anvil 5SC, Rovral 50WP, Antraco 70WP… Phun kép 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày nếu bệnh hại nặng.
Chú ý: Phun theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc và tuân thủ kỹ thuật “4 đúng”./.