Chăm sóc cây lúa giai đoạn đứng cái (Khối sơ khởi) - chín
( Cập nhật lúc:
26/04/2024
)
1- Bón đón đòng: Khi lúa xuất hiện khối sơ khởi (cách nhận biết cây lúa có khối sơ khởi: 10% dảnh cái thắt eo đầu lá hoặc bóc dảnh cái thấy có khối bông xốp nhỏ bằng nửa hạt gạo), lượng phân tính cho 1.000m2.
- Đối với sản xuất lúa hữu cơ: 30 - 40kg phân hữu cơ Quế Lâm KH 06. Các loại phân hữu cơ khác: Bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Đối với lúa thuần: Bón 5 - 8 kg đạm urê + 10 - 11 kg kali clorua.
- Đối với lúa lai: Bón 7 - 9 kg đạm urê + 12 - 13 kg kali clorua.
- Giữ mực nước trong ruộng từ 2-3 cm đến khi lúa chín đỏ đuôi, làm cỏ, phát cỏ xung quanh bờ.
|
Nhận biết Khối sơ khởi |
2- PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI
2.1- Bọ rầy: Phun trừ Bọ rầy khi mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh trở lên
+ Đối với lúa giai đoạn trước trỗ bông, sử dụng thuốc nội hấp như: Nấm xanh Metarhizum, Tasieu 5WG, Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP…
+ Đối với diện tích lúa ở giai đoạn trỗ trở đi, phun trừ Rầy bằng thuốc tiếp xúc như: Nấm xanh Metarhizum, Tasieu 5WG, Actara 25WG, Bassa 50EC, Tre bon 10EC...khi phun thuốc phải rẽ hàng thành băng rộng khoảng 0,8-1,2m để thuốc tiếp xúc trực tiếp với Rầy ở phần gốc lúa.
Chú ý: Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh tính kháng thuốc của Rầy. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau phòng trừ rầy và tiếp tục theo dõi, tránh hiện tượng rầy bùng phát trở lại (tái nhiễm).
2.2- Bệnh đạo ôn: Khi thấy ruộng lúa xuất hiện bệnh, dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá; giữ nước trong ruộng 3-4 cm; cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để phun trừ bệnh đạo ôn bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Ketomium, Bionite WP, Filia 525SE, Kasai 21,2WP, Beam 75WP, Fuji-one 40EC… Nếu bệnh gây hại nặng cần phun kép 2 lần, cách nhau 5 -7 ngày.
Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá hoặc những giống nhiễm, đến thời kỳ lúa trỗ bông nếu gặp điều kiện thời tiết có mưa ẩm, có thể nhiễm đạo ôn hại trên cổ bông (làm bông bạc hoặc gẫy gục), do vậy cần phun phòng bằng cách: phun kép 2 lần với các loại thuốc nêu trên, lần 1 khi lúa trỗ lác đác, lần 2 khi lúa trỗ xong.
Ngoài ra, chú ý phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen…