Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn phòng chống, khắc phục cho thủy sản nuôi trước và sau khi lũ xảy ra

( Cập nhật lúc: 07/06/2019  )

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Để phòng chống, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả do mưa lũ cho thủy sản nuôi, sớm ổn định sản xuất, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn đã triển khai một số nội dung sau:

1. Trước khi có mưa lũ xảy ra

Đối với ao nuôi: Thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; thường xuyên kiểm tra và gia cố bờ ao chắc chắn, có khả năng chống chịu khi mưa lũ lớn; phát quang cành cây xung quanh bờ, tránh gió bão làm cành, lá rơi vào ao gây ô nhiễm; đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa lũ kéo dài và khi mực nước trong ao quá lớn; chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, cơ sở vật chất, hóa chất như lưới, đăng chắn, cọc tre, cuốc xẻng, vôi,... để chủ động gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống khi có tình huống xấu xảy ra. Đặt lưới xung quanh bờ (độ cao 40-50cm, ghim sâu 20-30 cm dưới đất) nhằm giảm thất thoát gây thiệt hại sản xuất khi mưa lũ kéo dài; nạo vét, khơi thông cống rãnh, kênh mương đảm bảo thoát nước tốt khi xảy ra mưa lũ. Sơ tán người lao động về nơi trú ẩn an toàn.

Đối với lồng nuôi: Thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; kiểm tra gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng, trường hợp không di chuyển được lồng, cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng, gió; che chắn mặt lồng bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp sao cho thủy sản nuôi không bị lọt ra ngoài. Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi 3-5kg trước dòng chảy để phòng bệnh cho thủy sản. Sơ tán người lao động về nơi trú ẩn an toàn.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa lũ

Đối với ao nuôi: Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao. Khi mưa lớn kéo dài ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột cần rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10kg/100m2), kết hợp với bón vôi cho ao để ổn định pH và giảm độ đục của nước ao, bổ sung VitaminC, chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng của thủy sản nuôi. Tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với nuôi lồng: Kiểm tra, vệ sinh hệ thống dây neo, phao, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường; thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường và sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thu gom, xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải) đúng theo quy định; tuyệt đối không vứt thủy sản chết, rác thải ra môi trường gây ô nhiễm, phát sinh mầm bệnh. Thực hiện vệ sinh, tẩy trùng, diệt khuẩn, tu sửa cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/NĐ-CP, ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh./.

Hoàng Hiếu