Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại trên một số cây trồng vụ xuân 2024

( Cập nhật lúc: 09/04/2024  )

Vừa qua, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh ban hành Văn bản gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện; Phòng Kinh tế thành phố; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố chủ động phòng trừ sâu bệnh hại trên một số cây trồng vụ xuân 2024, cụ thể:

- Thực hiện điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn theo quy định (Bộ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13268 - Bảo vệ thực vật - Phương pháp điều tra sinh vật gây hại cây trồng).

- Phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời một số sinh vật gây hại chính, cụ thể:

* Trên cây lúa

- Bọ rầy: Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo chính xác các đợt rầy, chỉ đạo phun trừ kịp thời khi rầy tuổi nhỏ (tuổi 1, 2). Hướng dẫn phòng trừ rầy theo Tiến bộ kỹ thuật (TBKT 01-88:2018/BNNPTNT) về Quy trình quản lý tính kháng thuốc bảo vệ thực vật của rầy nâu Nilaparvata lugens (Stal), rầy lưng trắng Sogatella furcitera (Horvath) hại lúa. Chú ý, các lứa rầy:

+ Lứa 2: Rầy cám nở rộ từ giữa đến cuối tháng 4, hại trên diện rộng giai đoạn cuối đẻ nhánh - ôm đòng.

+ Lứa 3: Rầy cám nở rộ từ giữa đến cuối tháng 5. Do xen gối rầy lứa 2 nên mật độ tăng cao; nếu không chủ động phòng trừ sẽ gây “cháy rầy” vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6.

- Sâu đục thân: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi những diện tích lúa cấy sớm, diện tích ruộng trong khe và những khu đồng thường xuyên bị sâu đục thân gây hại từ các vụ trước. Chú ý lứa 2, trưởng thành ra rộ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 gây ung đòng, bông bạc giai đoạn lúa ôm đòng đến trỗ. Tăng cường kiểm  tra, ngắt ổ trứng, nhổ bỏ dảnh héo, bông bạc mang ra khỏi ruộng để tiêu hủy, phun trừ khi sâu tuổi nhỏ bằng một trong các loại thuốc như: Voliam Targo 063SC, Dupont Prevathon 5SC, Virtako 40WG... để phun trừ khi sâu non tuổi nhỏ.

- Bệnh đạo ôn lá: Theo dõi sát diễn biến của thời tiết để hướng dẫn và chỉ đạo phòng trừ, đặc biệt tại những vùng có nguy cơ cao (diện tích cấy giống nhiễm, diện tích trồng trong khe, diện tích thường xuyên bị nhiễm bệnh trong những vụ trước, năm trước...). Khi lúa bị bệnh đạo ôn gây hại, cần phun trừ sớm bằng một trong các loại thuốc như: Filia® 525SE, Trizole 400SC/75WG, Fuji-one 40EC... nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun lại sau 5 - 7 ngày.

Những diện tích bị bệnh đạo ôn lá gây hại, cần chú ý phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc đặc hiệu ngay khi lúa bắt đầu trỗ và sau khi đã trỗ thoát.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh gây hại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 khi có những đợt mưa dông đầu mùa. Thường ở những chân ruộng bị mưa lũ tràn qua và cấy các giống có bản lá to, màu xanh đậm; bệnh hại nặng những ruộng thường xuyên bị bệnh ở những vụ trước, ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn và bón phân không cân đối. Khi lúa bị bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại, cần phun trừ sớm bằng một trong các loại thuốc như: Totan 200WP, Xanthomix 20WP, PN - Balacide 32WP, Starner 20WP, Linacin 40SL… pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

 Sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô

* Trên cây ngô: Chú ý theo dõi, phòng trừ sâu keo mùa thu, sâu gai, sâu đục thân, sâu đục bắp: Hướng dẫn phòng trừ sâu keo mùa thu theo Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020.

* Trên cây bí xanh: Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, hướng dẫn người dân nhận biết và chủ động phòng trừ sâu bệnh trên cây bí xanh. Nội dung theo hướng dẫn tại văn bản số 67/TT&BVTV ngày 19/02/2021 của Chi cục Trồng trọt và BVTV về hướng dẫn phòng, trừ sâu bệnh hại cây bí xanh thơm.

* Trên cây hồng không hạt: Chú ý theo dõi, phòng trừ bệnh thán thư theo hướng dẫn tại văn bản số 614/SNN-TT,BVTV&QLCL ngày 01/4/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường chỉ đạo phòng, trừ bệnh thán thư hại cây hồng không hạt.

* Trên cây thuốc lá: Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo quy trình kỹ thuật do đơn vị liên kết hướng dẫn. Chú ý các đối tượng sâu bệnh như: Rệp đào, bọ trĩ, bọ phấn, bệnh đốm mắt cua, bệnh mốc sương, bệnh đen thân, bệnh héo rũ, bệnh khảm lá... gây hại. Để việc phòng trừ đạt hiệu quả cần vệ sinh ruộng thuốc lá, ngắt bỏ lá bệnh, nhổ bỏ cây bệnh, lá già không cho thu hoạch đem tiêu hủy.

* Ngoài ra, chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh hại khác như: Bệnh phấn trắng, nhện đỏ, bệnh nứt thân sùi bọt, bệnh vàng lá thối rễ hại cây cam, quýt; bệnh cháy lá, bệnh thối thân hại cây gừng, nghệ, dong riềng…

- Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đảm bảo trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc; thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng an toàn, đúng quy định.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin về tình hình sinh vật gây hại cây trồng và các đối tượng sinh vật gây hại chính tại các khu vực cụ thể để nông dân biết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm./.

Admin