Hướng dẫn thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng làm phân bón hữu cơ
( Cập nhật lúc:
15/07/2024
)
Phụ phẩm cây trồng là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác cây trồng, tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích sản xuất lúa, ngô, rau, dong riềng, gừng nghệ…trên 39.600 ha, ước tính mỗi năm cho khoảng 560.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp, đây là lượng phụ phẩm rất lớn.
Qua khảo sát hiện nay phần lớn lượng phụ phẩm nông nghiệp người nông dân thường đốt hoặc xả thẳng ra môi trường, dẫn tới mất đi lượng hữu cơ và dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, còn đất canh tác ngày càng bị chai cứng, bạc màu, nghèo dinh dưỡng và hệ sinh thái của đất bị biến dạng, do đó cần phải xác định, lấy cái gì của đất thì phải trả lại cái đó, để gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Xuất phát từ thực trạng trên, năm 2024 Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng triển khai 116 buổi tuyên truyền, tập huấn cho 3.250 người tham gia về thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ.
|
Xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ tại xã Tân Tú |
Tham gia lớp tập huấn người sản xuất được nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống; giải pháp làm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp; các biện pháp xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học; quy định về thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng và trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân thu gom, xử lý sử dụng phụ phẩm cây trồng theo Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hành vi đốt rơm rạ.
Qua lớp tập huấn, người sản xuất hạn chế việc đốt hoặc xả thẳng phụ phẩm nông nghiệp ra môi trường; thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ tái đầu tư cho sản xuất, góp phần phục hồi sức khỏe của đất, duy trì sự sống của vi sinh vật đất, giảm sử dụng phân bón hóa học, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chung tay xây dựng nông thôn mới./.