Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành nông nghiệp chỉ đạo chăm sóc cây trồng sau mưa to và lốc

( Cập nhật lúc: 27/04/2023  )

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 24/4-03/5, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh; Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bắc Kạn tại bản tin số KKLR-91/09h30/BKAN ngày 24/4/2023: Từ chiều ngày 24/4/2023 ở khu vực Bắc Kạn có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 15-30mm/24h, có nơi trên 60mm/24h. Mưa dông kèm theo các hiện tượng thiên tai như lốc, sét, gió giật mạnh, nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các cây trồng vụ xuân.

 Cán bộ Chi cục Trồng trọt, BVTV và QLCL kiểm tra đồng ruộng (Ảnh tư liệu năm 2022)

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, bảo vệ diện tích cây trồng vụ xuân. Ngày 26/4/2023, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng có Công văn số 114/TT,BVTV&QLCL yêu cầu phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND cấp xã, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp trên cây trồng. Cụ thể:

Đối với diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày: Tuyên truyền, vận động người dân chủ động khoanh vùng có nguy cơ mưa lũ lớn, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Khẩn trương dựng những cây bị đổ ngã sau mưa bão, tháo cạn nước mặt ruộng, tạo điều kiện thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại phát sinh, phát triển; vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK. Đối với diện tích rau đậu các loại đã trồng như các loại bí, ớt, dưa chuột, hành tỏi, cà chua sau khi nước rút 2 - 3 ngày, cần hướng dẫn nông dân chăm sóc để phục hồi bộ rễ và hạn chế thấp nhất các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ.

Đối với cây ăn quả: Trước khi mưa bão, tiến hành cắt tỉa để cây được thông thoáng (cành vượt, cành đan chéo nhau); cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đổ ngã; đối với cây đang mang quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái; xẻ mương, rãnh thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ. Sau khi mưa bão, khẩn trương đào rãnh, tập trung bơm hút nước rút nhanh ra khỏi vườn cây; đối với những cây bị gãy cành thì dùng cưa chuyên dụng cưa cành gãy, vệ sinh vườn, tại vị trí cưa nên dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc trừ nấm gốc đồng quét vào vết cưa để hạn chế tác hại của nấm xâm nhập vào cành cây gây hại; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây; xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, tạo sự trao đổi khí vùng bên trên và xung quanh rễ; không nên xử lý ra hoa đối với cây bị ảnh hưởng do mưa bão như nghiêng ngả, gãy cành, nhánh; đối với những cây thiệt hại nặng như bật gốc, gãy nhánh nặng khó phục hồi, cần có kế hoạch sử dụng cây giống chất lượng để trồng mới. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra./.

Hồng Chiêm (tổng hợp)