Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành Nông nghiệp chỉ đạo theo dõi, phòng trừ bệnh thối nhũn củ gừng

( Cập nhật lúc: 20/06/2019  )

Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới và xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn thì bệnh thối nhũn do vi khuẩn phát sinh và đã gây hại cây gừng giai đoạn phát triển thân lá, củ.

Với điều kiện thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa ẩm như hiện nay rất thuận lợi cho bệnh thối nhũn củ gừng phát triển và lây lan ra diện rộng. Nếu không chủ động phòng, trừ kịp thời bệnh sẽ làm giảm năng suất, chất lượng củ, thậm chí có diện tích không cho thu hoạch.

 Cây gừng bị bệnh thối nhũn củ

Để chủ động trong công tác phòng, trừ và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh thối nhũn củ gừng gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các đơn vị liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, chủ động điều tra, theo dõi, phát hiện và hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại nhất là bệnh thối nhũn củ gừng.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng và các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh trên cây gừng; phát hiện và thông báo ngay với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với những diện tích đã bị bệnh thối nhũn củ gừng, cần thường xuyên kiểm tra vườn, đồi gừng để phát hiện sớm diện tích gừng bị bệnh. Làm sạch cỏ, nhổ và thu gom những cây bị bệnh đem ra khỏi vườn, đồi gừng để tiêu hủy; đồng thời rắc vôi bột vào đất tại chỗ đã nhổ cây.

Sử dụng một trong các loại thuốc để phun phòng và hạn chế tốc độ lây lan của bệnh như: Starner 20WP, Linacin 40SL, New Kasuran 16.6 WP… Những diện tích bị bệnh nặng cần phun kép 2 - 3 lần, mỗi lần phun cách nhau 5 - 7 ngày./.

Hồng Chiêm