Theo báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng, hiện nay trên cây trồng chính xuất hiện một số sâu bệnh hại như: Sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn hại lúa; sâu xám, sâu keo mùa thu hại ngô; bệnh cháy lá, thối củ hại gừng. Thời tiết tỉnh Bắc Kạn thời gian tới được dự báo có diễn biến bất thường, hiện tượng La Nina tác động trực tiếp, từ tháng 8/2024 có thể xảy ra mưa lớn, nguy cơ cao dẫn đến ngập lụt, úng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu, bệnh phát sinh, gây hại trên các cây trồng.
|
Cán bộ Chi cục Trồng trọt, BVTV&QLCL kiểm tra sự phát triển của cây lúa. |
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra đối với cây trồng vụ mùa năm 2024, ngày 14/8/2024 Chi cục Trồng trọt BVTV và Quản lý chất lượng bản hành Văn bản số 233/TT,BVTV&QLCL chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố thực hiện điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn theo quy định (Bộ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13268 - Bảo vệ thực vật - Phương pháp điều tra sinh vật gây hại cây trồng).
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn cử công chức phụ trách nông lâm nghiệp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn, đôn đốc người dân nhận biết, phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cụ thể:
* Cây lúa:
- Bọ rầy: Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo chính xác các đợt rầy, chỉ đạo phun trừ kịp thời khi rầy tuổi nhỏ (tuổi 1, 2). Hướng dẫn phòng trừ rầy theo Tiến bộ kỹ thuật (TBKT 01-88:2018/BNNPTNT) về Quy trình quản lý tính kháng thuốc bảo vệ thực vật của rầy nâu Nilaparvata lugens (Stal), rầy lưng trắng Sogatella furcitera (Horvath) hại lúa. Chú ý, các lứa rầy:
+ Lứa 6: Rầy cám nở rộ và gây hại tập trung vào cuối tháng 8. Hại diện rộng trên các trà lúa. Đây là lứa chính trong vụ, do đó cần chủ động theo dõi và phòng trừ để hạn chế thấp nhất tình trạng “cháy rầy” cục bộ. Nếu không phòng trừ tốt có thể gây cháy rầy cục bộ vào đầu tháng 9.
+ Lứa 7: Rầy cám nở rộ tập trung từ giữa đến cuối tháng 9, gây hại cục bộ những diện tích lúa cấy muộn.
- Sâu đục thân: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi những diện tích lúa cấy sớm, diện tích ruộng trong khe và những khu đồng thường xuyên bị sâu đục thân gây hại từ các vụ trước. Khi ruộng bị sâu đục thân gây hại cần ngắt bỏ dảnh héo tiêu hủy. Sử dụng một trong các loại thuốc như: Bitadin WP, Enasin 32WP, Voliam Targo 063SC, Dupont Prevathon 5SC, Virtako 40WG... để phun trừ khi sâu non tuổi nhỏ. Tập trung chăm sóc, bón phân để cây lúa đẻ nhánh bù lại số dảnh héo bị sâu đục thân gây hại. Chú ý phòng trừ sâu đục thân lứa 4 gây ung đòng, bông bạc đối với trà lúa mùa sớm và lứa 5 đối với lúa mùa chính vụ.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Tập trung phun trừ sâu cuốn lá nhỏ ở những diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh có mật độ sâu cao. Chú ý phòng trừ lứa 6: Trưởng thành vũ hóa khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 và lứa 7: Trưởng thành vũ hóa rộ tập trung vào cuối tháng 9.
- Bệnh đạo ôn: Theo dõi sát diễn biến của thời tiết để hướng dẫn và chỉ đạo phòng trừ, đặc biệt tại những vùng có nguy cơ cao (diện tích cấy giống nhiễm, diện tích trồng trong khe, diện tích thường xuyên bị nhiễm bệnh trong những vụ trước, năm trước...). Khi lúa bị bệnh đạo ôn gây hại, cần phun trừ sớm bằng một trong các loại thuốc như: Filia® 525SE, Trizole 400SC/75WG, Fuji-one 40EC... nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun lại sau 5 - 7 ngày.
- Bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn: Phát triển mạnh từ tháng 8 đến tháng 9, khi có nhiều đợt mưa giông. Bệnh hại chủ yếu trên các giống lúa lai, các giống lúa có bản lá to, màu xanh đậm. Những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm bệnh có nguy cơ hại nặng. Ngoài ra, chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh khác như: Nhện gié, chuột.
|
Cán bộ Chi cục Trồng trọt, BVTV&QLCL thường xuyên thăm đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây ngô. |
* Cây ngô: Chú ý theo dõi, phòng trừ sâu keo mùa thu, sâu gai, sâu đục thân, sâu đục bắp… Hướng dẫn phòng trừ sâu keo mùa thu theo Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Quyết định số 218/QĐBNN-BVTV ngày 16/01/2020.
* Cây gừng, nghệ, dong riềng: Chú ý theo dõi, phòng trừ bệnh cháy lá, bệnh thối củ, bệnh thối thân.
* Cây cam, quýt: Chú ý phòng trừ sâu đục thân, sâu đục gốc, ngài chích quả, ruồi vàng hại quả…
* Cây hồng không hạt: Hướng dẫn người dân quy trình phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại chính trên cây hồng không hạt Bắc Kạn ban hành theo Quyết định số 659/QĐ/BVTV-KH&HTQT ngày 11/12/2023 của Viện Bảo vệ thực vật.
* Cây lâm nghiệp: Chú ý theo dõi, phòng trừ châu chấu tre lưng vàng theo chỉ đạo tại văn bản số 4087/UBND-NNTNMT ngày 18/6/2024 của UBND tỉnh về phòng, chống châu chấu tre lưng vàng hại rừng vầu, nứa và cây nông nghiệp; văn bản số 1422/SNN-TT,BVTV&QLCL ngày 09/7/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tiếp tục chỉ đạo phòng chống châu chấu tre lưng vàng./.