Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 08/04/2019  )

Bắc Kạn thuộc vùng Trung du miền núi có trên 72% lao động với hoạt động sản xuất chính là nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

 Sản phẩm mướp đắng rừng của huyện Ba Bể

Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện, như: Trong trồng trọt đã hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến, vùng chuyên canh hàng hóa tập trung; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng gia trại, trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn, đến năm 2018 tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,1%. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng và đạt được kết quả quan trọng.

Mục tiêu của những năm tiếp theo ngành Nông nghiệp và PTNT tập trung tổ chức sản xuất và tăng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với chế biến tiêu thụ, thị trường để nâng cao giá trị một số sản phẩm chủ lực như phát triển vùng trồng cây dong riềng phục vụ chế biến; vùng trồng thuốc lá; vùng trồng cây chè (chè shan tuyết và chè trung du); vùng trồng cây ăn quả cam, quýt, hồng không hạt, cây lê, cây mơ vàng; vùng trồng rau, củ quả như rau ngót rừng, bồ khai, bí xanh thơm, khoai môn....

Về chăn nuôi, sản lượng thịt hơi các loại tăng mỗi năm từ 1.000 tấn trở lên; lâm nghiệp duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,1%. Bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng diện tích rừng tự nhiên hiện có, tăng diện tích trồng rừng theo mục đích kinh doanh cây gỗ lớn và đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) theo từng năm, sản lượng khai thác gỗ đạt 250.000m3/năm. 

Nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến năm 2025, đối với lĩnh vực trồng trọt cần mở rộng diện tích trồng dong riềng phấn đấu sản lượng tinh bột để sản xuất khoảng 5.000 tấn miến/năm, tương ứng với diện tích trồng khoảng 800 ha dong riềng;

Cây thuốc lá ổn định diện tích 1.000 ha, sản lượng 2.500 tấn; cây chè ổn định diện tích 3.000 ha, đầu tư thâm canh, cải tạo 2.000 ha chè để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm là 300 ha.

Diện tích cây ăn quả có múi đạt 3.600 ha, sản lượng đạt trên 25.000 tấn. Đầu tư thâm canh 1.300 ha cam, quýt; 1.000 ha cây hồng không hạt; 500 ha cây mận sớm. Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm gồm: 200 ha cam quýt, 50 ha hồng không hạt và 50 ha cây mơ.

Cây rau màu: Đầu tư phát triển sản xuất một số loại rau đang là thế mạnh của địa phương như rau bồ khai, ngót rừng, bí xanh thơm,…diện tích đảm bảo an toàn thực phẩm trên 500 ha.

Lĩnh vực chăn nuôi, phát triển chăn nuôi ổn định với đàn trâu 65 nghìn con; đàn bò 27 nghìn con, đàn lợn 250 nghìn con, đàn gia cầm 1,7 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại tăng dần, mỗi năm tăng từ 1.000 tấn thịt hơi các loại trở lên. Xây dựng mỗi địa bàn huyện, thành phố có ít nhất 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn; xây dựng mới 16 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo quy định và hoàn thiện 500 gia trại đạt các tiêu chí về quy mô và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng của 27.000 ha rừng đặc dụng, 83.000 ha rừng phòng hộ trên 300.000 ha rừng sản xuất. Nâng cao năng suất rừng trồng đạt trên 15m3/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt 250.000 m3/năm.

Giải pháp thực hiện

Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực nông lâm nghiệp các cấp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trọng điểm, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, kỹ năng quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức, kiện toàn hội đồng quản trị, giám đốc và cán bộ quản lý hợp tác xã đủ khả năng quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển thành viên; người đứng đầu đủ năng lực xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ mở rộng thị trường và liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp theo chuỗi. Thực hiện các chính sách hiện có của trung ương và địa phương để hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; hàng năm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất được tham gia các hội chợ, lễ hội chuyên đề về cây trồng, vật nuôi, sản phẩm sau chế biến đặc trưng cho vùng, địa phương từng bước tạo sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, quảng bá sản phẩm hàng hóa.

Tuyên truyền, khuyến khích người dân tập trung sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, có đầu ra ổn định hoặc có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cho các Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh liên kết sản xuất nông sản hàng hoá theo chuỗi giá trị.

Bảo tồn và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao; thử nghiệm, khảo nghiệm để lựa chọn ra các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương để đưa vào sản xuất; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; quản lý tốt công tác giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức lại mạng lưới các cơ sở chế biến lâm sản theo hướng chuyển từ chế biến thô sang chế biến tinh, sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng là chính, đưa công nghiệp chế biến lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh./.

Hồng Thắng