Skip Ribbon Commands
Skip to main content

UBND tỉnh ban hành Kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý năm 2022

( Cập nhật lúc: 17/05/2022  )

Ngày 16/5/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 810/QĐ-UBND về Kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý năm 2022.

 Nhân viên Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn hướng dẫn kỹ năng, cách thức vận hành, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Voso.vn

Theo kịch bản, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế ước đạt 4,02%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng 4,52%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 4,51% (công nghiệp tăng 5,16%, xây dựng tăng trưởng 3,97%); khu vực dịch vụ tăng trưởng 3,62%.

UBND tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt trên 5,5%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng trên 2,29%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng trên 7,51% (công nghiệp tăng trên 7,25%, xây dựng tăng trưởng trên 7,71%); khu vực dịch vụ tăng trưởng trên 6,42%.

9 tháng đầu năm đặt mục tiêu tăng trưởng trên 5,9%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng trên 4,77%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng trên 7,08% (công nghiệp tăng trên 7,10%, xây dựng tăng trên 7,07%); khu vực dịch vụ tăng trên 6,20%.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 tăng trên 6,0%, cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng trên 3,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trên 8,7% (công nghiệp tăng trên 11,5%, xây dựng tăng trên 7,0%); khu vực dịch vụ tăng trên 6,5%.

Đồng thời, đề ra giải pháp thực hiện các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, cụ thể như:

Về sản xuất nông, lâm nghiệp: Tiếp tục chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là các loại giống chất lượng cao, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lao động nông nghiệp, chuyển sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Gắn đào tạo nghề với chuyển giao công nghệ mới và quy trình sản xuất mới cho nông dân. Tăng cường huy động và khai thác nguồn lực đầu tư cho ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành. Đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ, trong đó HTX giữ vai trò chủ đạo; đẩy mạnh phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP, kết nối các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh thương mại điện tử các sản phẩm nông nghiệp thuộc 03 trục sản phẩm ngành hàng trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng phương án tiêu thụ nông sản cho người dân, khắc phục tình trạng được mùa, mất giá các nông sản chính như (bí thơm, cam, quýt, dong riềng, thịt lợn).

Trồng trọt: Tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường như lúa chất lượng cao, trồng rau thâm canh tăng năng suất và xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; cải tạo trồng bổ sung, thâm canh tăng năng suất cây ăn quả, cây chè mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi, đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiêntiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật. Tiếp tục chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả cao hơn. Bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất (thời vụ gieo trồng, cơ cấu và diện tích cây trồng), hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết. Tăng cường công tác dự báo, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh cây trồng; thực hiện các giải pháp đồng bộ quản lý vật tư đầu vào, đặc biệt là giống cây trồng và phân bón,... Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đặc biệt đối với cây dong riềng, cây chè, cây ăn quả và cây rau,...

Chăn nuôi, thủy sản: Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh theo mô hình chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở triển khai những giải pháp tăng cường hoạt động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu giống cho sản xuất; kiểm soát giá giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ người dân tái đàn vật nuôi đạt kế hoạch giao. Kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tăng cường hoạt động kiểm dịch thú y, tổ chức kiểm soát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, phòng trừ dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để trao đổi thông tin, hỗ trợ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả; phát triển hình thức nuôi cá lồng tại một số diện tích mặt nước lớn như sông, hồ.

Lâm nghiệp: Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, kết hợp hoạt động bảo vệ, khai thác rừng với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Áp dụng mô hình nông lâm kết hợp, phát triển dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ, phối hợp với hoạt động du lịch sinh thái. Phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ, ván nhân tạo. Triển khai thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, tăng cường chỉ đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; phát huy hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 15/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh./.


Hồng Chiêm