Xây dựng công trình nước sạch góp phần xây dựng nông thôn mới
( Cập nhật lúc:
12/09/2024
)
Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi cao, địa hình chia cắt mạnh mẽ, có nhiều hệ thống sông suối, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi ở phân tán và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, sức khỏe cộng đồng, tỉnh Bắc Kạn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện các chương trình như: Mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả; 134; 135; xây dựng nông thôn mới; Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ... để đầu tư xây dựng các dự án cấp nước tập trung nông thôn. Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng 721 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn góp phần đảm bảo cấp nước cho hộ dân khu vực nông thôn nhằm nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội vùng hưởng lợi. Qua đó góp phần thực hiện tốt tiêu chí 17.1 thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; tiêu chí 18.1, 18.2 và 18.3 thuộc bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó có 71 xã/95 xã đạt chỉ tiêu 17.1 thuộc bộ tiêu chí xã nông thôn mới chiếm tỷ lệ 74,7%; có 46 xã/95 xã đạt cả 03 chỉ tiêu 18.1, 18.2, 18.3 chiếm tỷ lệ 48,4% thuộc bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao (theo kết quả đánh giá Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch nông thôn năm 2023).
|
Công trình nước sạch Khuổi Dân, thôn Nà Pì, xã Liêm Thuỷ, huyện Na Rì |
Thực hiện chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Tỉnh Bắc Kạn đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch đến với người dân vùng nông thôn, từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn bằng việc huy động nhiều nguồn lực từ các nhà tài trợ nước ngoài, nguồn tín dụng ưu đãi, nguồn ngân sách Trung ương và nội lực của tỉnh từ các Chương trình Hợp tác sử dụng Quỹ đặc biệt Mê Công - Lan Thương, Chương trình cấp nước sinh hoạt tập trung vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay đã thực hiện đầu tư xây dựng 41 công trình đảm bảo cấp nước cho 3.500 điểm sử dụng và đang tiếp tục thực hiện theo kế hoạch dự kiến đến hết năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư 24 công trình cấp cho 2.228 điểm sử dụng để duy trì cấp nước ổn định các công trình hiện có, tăng tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch.
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã và đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả và bền vững các công trình, tăng tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước sạch cho các hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về vấn đề nước sạch để nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề sử dụng nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Nâng cao chất lượng, an toàn đối với các công trình cấp nước hiện có trên địa bàn bằng các giải pháp kỹ thuật; rà soát, kiểm tra các công trình cấp nước đã bị hư hỏng, xuống cấp để đưa ra giải pháp nâng cấp, sửa chữa, kết hợp đầu tư tiếp nối tránh lãng phí.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực quản lý vận hành khai thác và duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung thông qua các lớp đào tạo, tập huấn; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện sự cố để đảm bảo cấp nước được liên tục, an toàn.
Thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước nông thôn theo quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ hướng tới tất cả các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh đều phải thực hiện thu tiền sử dụng nước để có kinh phí duy tu, sửa chữa, tái đầu tư công trình nhằm đảm bảo cấp nước an toàn.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp, kết hợp kêu gọi các nguồn vốn từ doanh nghiệp, tổ chức tham gia quản lý, sử dụng và khai thác công trình.