Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn

( Cập nhật lúc: 30/08/2012  )
Dịch bệnh Tai xanh lợn (Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn đã xảy ra tại xã Nông Hạ, xã Nông Thịch huyện Chợ Mới tính đến ngày 13 - 14/8/2012 dịch bệnh Tai xanh đã lan ra làm 563 con lợn ốm, trong đó đã chết 55 con, hiện đang điều trị 121 con.

Xác định đây là hai loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và nhanh chóng dập dịch kịp thời, ngày 15/8/2012 Chi cục Thu y tỉnh Bắc Kạn ban hành Văn bản số: 147/HD-TY về việc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh tai xanh lợn, theo văn bản Chi cục Thú y tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh Tai xanh lợn trên địa bàn tỉnh như sau:

I. CÔNG TÁC PHÒNG BỆNH:

1. Thông tin, tuyên truyền phòng bệnh:

- Thường xuyên thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức giúp người dân, người chăn nuôi hiểu đúng, đầy đủ và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trong từng thôn ký cam kết thực hiện “5 không”:

Không giấu dich;

Không  mua bán lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh;

Không bán chạy lợn bệnh;

Không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch;

Không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường.

2. Chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch:

- Xây dựng Kế hoạch giám sát dịch bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Thú y để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh tại địa phương.

- Tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán, giám sát dịch bệnh đột xuất hoặc thường xuyên theo hướng dẫn của cấp trên.

- Kiểm soát chặt chẽ lợn nhập vào địa phương.

- Phân công trách nhiệm cho trưởng thôn, bản, thú y viên xã giám sát dịch bệnh, lập sổ theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, kết quả tiêm phòng các bệnh ở lợn tại địa phương.

- Hỗ trợ các cơ quan thú y có thẩm quyền tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm.

- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định vệ sinh thú y trong chăn nuôi và hướng dẫn của cán bộ thú y.

- Khi phát hiện lợn có biểu hiện bất thường, bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, sảy thai thì báo ngay cho nhân viên thú y xã, trưởng thôn. Nghiêm túc thực hiện “5 không”.

- Có sổ theo dõi tình hình chăn nuôi, theo dõi tiêm vắc xin phòng các bệnh của lợn theo quy định.

3. Vệ sinh phòng bệnh:

- Đối với khu chăn nuôi:

Đối với các gia trại phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định của Pháp lệnh Thú y.

Đối với các hộ gia đình: Không được nuôi thả rông, chuồng nuôi phải được che chắn, cách ly, nền chuồng phải cao ráo và đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y.

Hàng ngày thực hiện vệ sinh cơ giới và định kỳ hàng tuần thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển bằng hoá chất sát trùng thông thường như: vôi bột, chlorine, formon, iodine hoặc các loại thuốc sát trùng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Đối với con giống:

Con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly, theo dõi 21 ngày.

Thường xuyên chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cho con vật thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

Đối với lợn mua về với mục đích làm con giống (lợn đực giống, lợn nái) ngoài việc thực hiện các quy định trên, cơ sở chăn nuôi phải báo cho cơ quan thú y có thẩm quyền tại địa phương biết để định kỳ kiểm tra bệnh theo quy định.

- Thức ăn, nước uống phải đảm bào tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

- Phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định.

- Người ra vào khu vực chăn nuôi phải sử dụng trang bị bảo hộ phù hợp, thực hiện đúng quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

4. Phòng bệnh bằng thuốc và vắc xin:

-  Yêu cầu phải tiêm phòng vắc xin Tai xanh bao vây khẩn cấp ổ dịch và hoàn thành trong vòng 07 ngày tính từ ngày nhận được vắc xin. Việc tiêm phòng phải đảm bảo nguyên tắc chung: tiêm từ bên ngoài (vùng chưa có dịch) vào trung tâm ổ dịch, cụ thể:

Xác định rõ diện tiêm phòng và tiến hành tiêm phòng đồng loạt cho các đàn lợn tại các thôn chưa có dịch.

Sau khi tiêm phòng tại các thôn chưa có dịch, tiến hành tiêm phòng cho đàn lợn tại các thôn có dịch theo nguyên tắc: đàn lợn ở xa tiêm trước, đàn gần đàn lợn bị bệnh tiêm sau, cuối cùng tiêm cho đàn lợn bị bệnh.

- Tiêm phòng đúng kỹ thuật hướng dẫn sau:

Sử dụng kim tiêm riêng biệt, đã sát trùng cho mỗi đàn lợn.

Vắc xin được pha với dung dịch nước sinh lý vô trùng đã được làm lạnh, tiêm bắp thịt sau tai.

Liều lượng: Lợn nái tiêm vắc xin trước khi phối giống, lợn con được tiêm lần đầu ở giai đoạn cai sữa và nhắc lại sau 4 tháng với liều lượng 2ml/con.

Chú ý:

.Chỉ dùng cho lợn khoẻ mạnh.

. Không  tiêm cho lợn nái mang thai và đực giống (đang khai thác tinh).

. Tránh nhiệt độ cao, thuốc sát trùng, ánh sáng mặt trời trong quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng.

. Dụng cụ tiêm phòng phải được tiệt trùng và vị trí tiêm phải được sát trùng cẩn thận.

. Sau khi pha vắc xin, tránh để ở nhiệt độ cao, vắc xin sau khi mở được sử dụng trong 60 phút.

.Lọ vắc xin đã sử dụng, vắc xin thừa, dụng cụ dùng phải được tiệt trùng và tiêu huỷ đúng cách.

Người tham gia tiêm phòng cần vệ sinh tiêu độc, khử trùng trước và sau khi tiêm phòng tại mỗi hộ chăn nuôi nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.  

- Người chăn nuôi phải chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy định, chủ động sử dụng các loại thuốc tăng sức đề kháng cho lợn.

5. Kiểm dịch vận chuyển:

- Các trạm kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông thực hiện như sau:

Kiểm soát chặt chẽ lợn, sản phẩm lợn vận chuyển qua các trạm, chốt kiểm dịch; thu giữ, tiêu huỷ lợn, sản phẩm lợn mắc bệnh hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Đối với lợn, sản phẩm của lợn có giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ thì thực hiện việc kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và thông báo cho nơi tiếp nhận biết.

Đối với lợn, sản phẩm của lợn được vận chuyển bằng phương tiện không đảm bảo vệ sinh thú y, không được niêm phong, đánh dấu theo quy định thì yêu cầu chủ hàng khắc phục bằng cách sử dụng phương tiện vận chuyển khác đảm bảo vệ sinh thú y và thực hiện niêm phong phương tiện vận chuyển, đánh dấu lợn theo mã số của Chi cục, đồng thời thông báo cho nơi tiếp nhận biết.

Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Nơi tiếp nhận phải kiểm soát chặt chẽ lợn, sản phẩm của lợn nhập vào và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về kiểm dịch vận chuyển bị xử phạt vi phạm hành chính và phải chịu mọi chi phí cho việc kiểm dịch, xử lý lợn và sản phẩm của lợn.

II. CHỐNG DỊCH:

1. Khai báo và xử lý đối với ổ dịch đầu tiên nghi mắc bệnh:

- Người chăn nuôi khi phát hiện lợn có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, bỏ ăn hoặc ăn ít, sảy thai hoặc chết phải báo ngay cho thú y viên xã hoặc trưởng thôn; nhốt riêng lợn mắc bệnh ra khu vực khác; bổ sung các loại thuốc tăng sức đề kháng, thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn lợn; hàng ngày vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi; không bán hoặc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bệnh ra khỏi khu vực chăn nuôi khi chưa có kết luận của cơ quan thú y có thẩm quyền.

- Thú y viên xã, cán bộ trạm thú y huyện, thị xã khi nhận được thông báo, phải đến kiểm tra, xác minh ngay; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp cách ly lợn mắc bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăm sóc tăng sức đề kháng cho đàn lợn.

- Trạm Thú y huyện, thị xã lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm đối với đàn lợn đầu tiên mắc bệnh trong phạm vi huyện, thị xã đồng thời báo ngay cho Chi cục Thú y.

2. Chẩn đoán bệnh:

- Đối với ổ dịch đầu tiên xảy ra trên địa bàn huyện, thị xã thị Trạm Thú y huyện, thị xã phải lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh.

- Các ổ dịch sau đó, nếu phát hiện lợn có những triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh Tai xanh thì triển khai ngay các biện pháp chống dịch mà không nhất thiết phải lấy mẫu.

3.

Công bố dịch:

- Thực hiện theo Quyết định số 1037/QĐ-BNN-TY ngày 13/4/2007 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc bổ sung Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn vào Danh mục các bệnh phải công bố dịch.

- Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Tai xanh lợn tại phòng thí nghiệm, Chi cục Thú y tỉnh có văn bản báo cáo Cục Thú y và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định công bố dịch trên địa bàn xã có dịch.

- Các xã khác trong cùng huyện đang có dịch, nếu phát hiện lợn cũng có những triệu chứng, bệnh tích của bệnh Tai xanh thì triển khai các biện pháp chống dịch mà không nhất thiết phải chờ kết quả chẩn đoán của phòng thí nghiệm. Chi cục Thú y tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện việc công bố dịch trên địa bàn xã đó.

4. Các biện pháp xử lý đối với ổ dịch:

- Xử lý ổ dịch:

Tiêu huỷ ngay số lợn chết do bệnh.

Đối với ổ dịch đầu tiên: tiêu huỷ ngay toàn bộ lợn trong ô chuồng có lợn bệnh.

Đối với các ổ dịch nhỏ lẻ mới xảy ra trên địa bàn: tiêu huỷ ngay toàn bộ lợn bệnh, cách ly triệt để lợn chưa bị bệnh để theo dõi.

Đối với trường hợp dịch xảy ra ở diện rộng: tiêu huỷ số lợn mắc bệnh nặng không cần chờ kết quả xét nghiệm (lợn mắc bệnh nặng là lợn có bệnh, đã được chăm sóc tích cực, được hỗ trợ tăng cường sức đề kháng trong vòng 7 ngày nhưng không có khả năng bình phục), lợn mắc bệnh nhẹ nuôi cách ly triệt để với lợn chưa bị bệnh để theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh.

Xử lý bắt buộc đối với lợn bệnh, lợn chết bằng cách lợn chết phải chôn, lợn bệnh có thể xử lý nhiệt bằng cách đun sôi chín, sản phẩm đã xử lý nhiệt có thể làm thức ăn cho gia súc, thuỷ sản, những sản phẩm không qua xử lý nhiệt phải chôn, sau đó phải vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y.

Người chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ trong các trường hợp trên được hỗ trợ theo quyết định 2482/QĐ-UBND tỉnh ngày 30/12/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn  với mức hỗ trợ là 38.000đ/kg hơi.

- Vệ sinh, tiêu độc khử trùng:

Vệ sinh: Thu gom chất thải rắn để đốt hoặc chôn; rửa nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi bằng nước xà phòng. Đối với chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất.

Tiêu độc khử trùng: Sau khi vệ sinh cơ giới, để khô và tiến hành tiêu độc khử trùng bằng hoá chất phù hợp đối với chuồng trại, khu vực chăn nuôi, lối ra vào, khu vực tập trung lợn để tiêu huỷ, khu vực tiêu huỷ hoặc chôn lợn, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng.

Người tham gia quá trình xử lý, tiêu huỷ lợn phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp và vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

* Việc tiêu huỷ, chôn lấp thực hiện cụ thể như sau:

- Phải làm chết động vật trước khi tiêu huỷ (không được chôn sống).

- Hạn chế tối đa việc vận chuyển lợn bệnh ra khỏi ổ dịch.

- Tiêu huỷ càng sớm càng tốt khi phát hiện dịch.

- Người trực tiếp tiêu huỷ lợn phải được tiêu độc khử trùng sau khi làm việc. Cấm người không cóphận sự vào khu vực tiêu huỷ.

- Chọn địa điểm chôn thích hợp:

Số lượng lợn/hố không vượt quá 5 tấn/hố; không chôn ở vùng ngập nước, có mực nước ngầm thấp, gần khu dân cư.

Trong trường hợp xảy ra đại dịch, số lượng lợn lớn, không thể thực hiện việc chôn lấp tại nơi xẩy ra dịch. Việc vận chuyển xác lợn đến nơi tiêu huỷ được trong xe có đáy kín, được bọc bằng các tấm polyethylen ở trên nóc. Không được chất quá đầy trong thùng. Xe tải phải đi chậm để tránh rơi vãi các chất ô nhiễm. Người hộ tống phải có bảo hộ và mang theo thuốc khử trùng tiêu độc, dụng cụ cần thiết để tiêu độc các chất rơi vãi trên dọc đường đi. Tất cả xe tải phải được làm vệ sinh và tiêu độc trước khi rời khỏi nơi nhiễm bệnh và nơi chôn lấp.

Lựa chọn khu vực xa dân cư, dưới chân đồi, núi, vùng trồng cây lấy gỗ, cây lâu năm.

- Quy trình chôn lấp:

Đào hố chôn:

. Phải dự đoán khối lượng lợn cần chôn lấp để đào hố thích hợp, thể tích hố chôn gấp 3 - 4 lần khối lượng lợn cần chôn lấp.

. Hố chôn không được rộng quá 3 m vì gây khó khăn trong khi thao tác.

Trình tự chôn lấp và kiểm tra môi trường sau khi chôn:

. Đào hố xong, dùng vôi bột hoặc thuốc sát trùng rải lót đều đáy hố với lượng 0,8-1kg/m2. Số lượng chôn lấp lớn (> 10 tấn/hố), gần khu vực nước ngầm, sông, hồ, ao cần lót vật liệu chống thấm ở đáy và xung quanh thành hố.

. Đưa lợn xuống hố rồi lấp đất, nén chặt, độ cao lớp đất từ xác lợn đến mặt đất là 1,2-2m, cao hơn miệng hố khoảng 0,6-1m.

. Rải vôi bột hoặc thuốc sát trùng lên trên bề mặt hố; đặt biển báo nơi chôn, cử người quản lý hố chôn trong vòng 1-2 ngày đầu tránh việc đào bới lấy xác gây hậu quả nguy hiểm.

. Trong vòng 3-4 tuần đầu sau khi chôn, thường xuyên kiểm tra tình hình hố chôn, kịp thời phát hiện sự cố để có biện pháp xử lý.

5. Đối với các đàn lợn chưa bị bệnh trong vùng dịch:

- Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ:

Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho lợn.

- Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn giống:

Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn.

Lấy mẫu tinh dịch của tất cả lợn đực giống và mẫu huyết thanh của lợn nái để xét nghiệm theo tỷ lệ lưu hành ước tính 10% tổng đàn. Nếu toàn bộ số mẫu xét nghiệm âm tính, các cơ sở giống tiếp tục được phép sản xuất.

Tiêu huỷ bắt buộc với những con dương tính theo sự hướng dẫn và giám sát của thú y. Sau 7-10 ngày tiếp tục lấy mẫu lần 2 theo tỷ lệ lưu hành. Nếu tất cả mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả âm tính, các cơ sở giống tiếp tục được phép sản xuất. Nếu có thêm mẫu dương tính thì không được sản xuất con giống.

- Cơ sở chăn nuôi lợn giống chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho việc xét nghiệm xác định sự lưu hành của vi rút Tai xanh.

6.  Kiểm soát vận chuyển:

-  Xác định vùng có dịch và lập các chốt kiểm dịch tạm thời, có người trực 24/24 giờ, có biển báo, hướng dẫn đi lại tránh vùng dịch; chốt kiểm dịch phải có phương tiện và hóa chất sát trùng để xử lý mọi đối tượng ra khỏi vùng có dịch.

- Không được vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra khỏi vùng có dịch.

- Lợn, sản phẩm của lợn khỏe mạnh được phép vận chuyển trong các trường hợp sau:

Lợn, sản phẩm của lợn thuộc vùng bị dịch uy hiếp được phép vận chuyển để tiêu thụ trong phạm vi huyện.

Lợn, sản phẩm của lợn tại vùng đệm, của cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh Tai xanh tại vùng bị dịch uy hiếp được vận chuyển để tiêu thụ trong phạm vi tỉnh.

Lợn, sản phẩm của lợn không thuộc đối tượng vùng dịch uy hiếp và vùng đệm được vận chuyển ra khỏi tỉnh để tiêu thụ.

7. Công bố hết dịch:

- Việc công bố hết dịch chỉ được thực hiện sau 21 ngày kể từ ngày xuất hiện ca bệnh cuối cùng và cơ sở chăn nuôi, địa phương có dịch đã thực hiện việc tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày, liên tục trong vòng 7 ngày.

- Ngay sau khi có quyết định công bố hết dịch, các cơ sở chăn nuôi lợn thịt được phép hoạt động trở lại bình thường. Riêng các cơ sở chăn nuôi lợn giống thực hiện theo quy định đối với cơ sở chăn nuôi lợn giống tại mục 5 phần này./.

Hồng Thắng
Sign In